Các kỹ năng cần thiết cho Sinh viên - Trường Cao Đẳng Nghề Hoa Sen

Các kỹ năng cần thiết cho Sinh viên

Kỹ năng mềm: Nền tảng dẫn đến thành công

Theo khảo sát của các đơn vị cung ứng nhân sự thì khoảng 90% sinh viên (SV) ra trường không đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và dễ dàng bị đào thải sau hai tháng thử thách. Điều này đặt ra một nghịch lý trong bài toán đào tạo và tuyển dụng, đó là mặc dù doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao nhưng vẫn tồn tại lượng sinh viên thất nghiệp khá lớn. Lý giải cho điều này, đại diện một doanh nghiệp lớn tại TPHCM cho biết, sinh viên tuy có kiến thức chuyên ngành nhưng lại thiếu các kỹ năng mềm cần thiết (kỹ năng giao tiếp, thích ứng và linh hoạt, giải quyết vấn đề, lãnh đạo, làm việc nhóm…) để đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Vậy kỹ năng mềm là gì? Tại sao nó lại quan trọng trên con đường sự nghiệp của mỗi người?

Vai trò của kỹ năng mềm

Kỹ năng mềm (hay còn gọi là kỹ năng thực hành xã hội) là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như: kỹ năng sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới…

Theo các chuyên gia tâm lý, kỹ năng mềm có ảnh hưởng lớn đến sự thành bại trong sự nghiệp và cuộc sống của một cá nhân nào đó, tuy nhiên, tầm quan trọng của nó ít được giới sinh viên và phụ huynh nhắc đến. Thực tế cho thấy người thành đạt chỉ có 15% là do những kiến thức chuyên môn, 85% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị. Những người sử dụng lao động coi trọng các kỹ năng mềm, bởi vì các nghiên cứu cho thấy chúng là nhân tố đánh giá rất hiệu quả năng suất làm việc, khả năng tương tác, phối hợp công việc cũng như sự thích nghi với môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp…

Những kỹ năng mềm quan trọng

  1. Có sự tự tin, ý chí chiến thắng & quan điểm lạc quan

Tất cả chúng ta đã từng nghe lời khuyên: “Hãy nhìn cốc nước còn đầy một nửa tốt hơn là nhìn nó đã vơi đi một nửa”. Thật vậy, ở nơi làm việc, cách nghĩ lạc quan, nhìn về xu hướng tích cực có thể giúp bạn bền bỉ, tự tin để tiếp tục đi trên một chặng đường dài của vòng tròn sự nghiệp. Tất cả mọi cái nhìn lạc quan đều dẫn đến một thái độ lạc quan và có thể là tài sản quý trong môi trường làm việc đầy thách thức, đánh bại sự bi quan, chán nản, bế tắc.

Chìa khóa để có một thái độ lạc quan là bạn giải quyết một sự trở ngại hay thách thức như thế nào khi gặp phải. Ví dụ, thay vì than phiền về khối lượng công việc gây áp lực căng thẳng, hãy nghĩ về nó như một cơ hội để thể hiện khả năng làm việc tích cực và hiệu quả của bạn. Đó sẽ là một điểm cộng ấn tượng với cấp quản lý, mở ra nhiều cơ hội thăng tiến cho bạn trong tương lai.

  1. Kỹ năng làm việc nhóm

Các nhà tuyển dụng rất thích những nhân viên thể hiện được khả năng làm việc tốt trong tập thể. Hòa đồng với tập thể không chỉ có nghĩa là có tính cộng tác mà còn thể hiện được khả năng lãnh đạo tốt khi có thời điểm thích hợp. Những cá nhân có tinh thần tập thể và làm việc nhóm tốt sẽ giảm thiểu tối đa sự xung đột lợi ích nhóm cũng như nâng cao chất lượng và năng suất công việc.

Hãy luôn sẵn sàng hợp tác trong công việc và thiết lập nên các mối quan hệ công việc với mọi đồng nghiệp để giúp cho mọi việc dễ ra trôi chảy và đạt hiệu quả. Đây chính là các đóng góp cho lợi ích chung của tập thể chứ không vì những lợi ích và cái tôi cá nhân. Để có được kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả thì điều đầu tiên bạn cần trang bị cho mình cách thức giao tiếp và trình bày ý kiến đúng phương pháp và đúng ngữ cảnh.

  1. Kỹ năng giao tiếp

Bạn có phải là người vừa biết trò chuyện, vừa biết lắng nghe? Bạn có thể chia sẻ những tình huống trong công việc và yêu cầu của mình với các đồng nghiệp, khách hàng… một cách tích cực và mang tính xây dựng.

Có thể khẳng định kỹ năng giao tiếp tốt là một thế mạnh đối với bất cứ ai trong công việc. Giao tiếp là phương tiện cho phép bạn xây dựng cầu nối với đồng nghiệp, thuyết phục người khác chấp nhận ý kiến của bạn và bày tỏ được nhu cầu của chính mình.

Nên nhớ rằng, nếu thiếu Kỹ năng giao tiếp, bạn sẽ bỏ lỡ: cơ hội nghề nghiệp, những mối quan hệ và cơ hội được chứng tỏ bản thân mình kể cả trong công việc lẫn trong cuộc sống.

  1. Sự tự tin

Bạn có thực sự tin rằng mình có thể làm được công việc này? Bạn có thể hiện thái độ bình tĩnh và tạo sự tự tin cho người khác? Bạn có khuyến khích được mọi người đặt các câu hỏi cần thiết để đóng góp ý kiến xây dựng? Trong hầu hết các trường hợp, khi bạn muốn gây ấn tượng với một ai đó, sự tự tin là một thái độ rất hiệu quả. Trong khi sự khiêm nhường khi bạn nhận được lời tán dương là rất quan trọng thì sự thừa nhận thế mạnh của mình cũng quan trọng không kém. Hãy tin chắc rằng bạn có sự nhận biết và kỹ năng để có thể bày tỏ được sự tự tin của mình.

  1. Kỹ năng tư duy sáng tạo

Bạn có thể thích nghi được với những tình huống và những thách thức mới? Bạn có sẵn sàng đón nhận những thay đổi và đưa ra những ý tưởng mới?

Tính sáng tạo và lối suy nghĩ thông minh luôn được đánh giá cao ở bất cứ công việc hay vị trí nào. Thậm chí công việc mang tính kỹ thuật nhất cũng đòi hỏi khả năng suy nghĩ thoát ra khỏi khuôn khổ. Vì vậy đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của việc giải quyết vấn đề theo cách sáng tạo. Nó sẽ giúp bạn “mở đường” cho những kế hoạch chiến lược mà kết quả sẽ gây bất ngờ đấy!

  1. Kỹ năng tiếp nhận và học hỏi

Bạn có thể biến những lời phê bình thành những kinh nghiệm và bài học cho bản thân? Bạn có thể học hỏi và tự phát triển để trở thành một người chuyên nghiệp?

Đây là một trong những kỹ năng mang tính thử thách nhất, và cũng chính là kỹ năng gây ấn tượng nhất đối với người tuyển dụng. Khả năng ứng xử trước lời phê bình phản ánh rất nhiều về thái độ sẵn sàng cải thiện của bạn. Đồng thời có khả năng đánh giá, nhận xét mang tính xây dựng đối với công việc của những người khác cũng mang ý nghĩa quan trọng không kém. Hãy nhận thức xem bạn thủ thế như thế nào khi phản ứng trước những lời nhận xét tiêu cực. Đừng bao giờ ném đá vào những lời phê bình mang tính xây dựng mà không nhận thấy rằng ít nhất nó cũng mang lại một lợi ích nào đó, chẳng hạn như giúp bạn nhận ra những ưu – khuyết của bản thân.

Tuy nhiên, khi bạn đưa ra lời nhận xét với người khác, hãy thể hiện sao cho thật khéo léo và chân thành. Đừng cố làm tổn thương người khác để ghi điểm với cấp trê, thay vào đó hãy cố gắng dự đoán trước phản ứng của người nghe dựa vào tính cách của họ để có cách nói phù hợp nhất. Nên nhớ rằng chỉ trích chỉ mang lại những hệ lụy xấu còn khen thưởng lại mang đến sự khích lệ và những trải nghiệm vui vẻ trong công việc.

Bài viết liên quan

Chuyên mục