Cử nhân thất nghiệp: quá lãng phí nguồn lực - Trường Cao Đẳng Nghề Hoa Sen

Cử nhân thất nghiệp: quá lãng phí nguồn lực

(TBKTSG) – Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mới đây cho biết, hiện có khoảng 200.000 người thất nghiệp có trình độ đại học. Con số này nhìn thoáng qua có thể không lớn so với 5 triệu lao động có trình độ tương ứng. Nhưng nếu so với số sinh viên ra trường hàng năm thì con số này không hề nhỏ. Sự lãng phí nguồn lực, do đó rất đáng lo ngại và giải pháp là cần theo hướng đào tạo nghề.

Phía sau một tỷ lệ bình thường

Cả nước có khoảng 1,1 triệu sinh viên đại học và cao đẳng. Nếu chia cho trung bình bốn năm học, mỗi năm có gần 300.000 sinh viên ra trường. Ảnh: THÀNH HOA

Dư cung và lãng phí lao động có trình độ cử nhân

Theo số liệu của của Bộ GD&ĐT, cả nước có khoảng 1,1 triệu sinh viên đại học và cao đẳng. Nếu chia cho trung bình bốn năm học, mỗi năm có gần 300.000 sinh viên ra trường. Kể từ năm 2015 trở lại đây, số lượng người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên dao động ở mức 180.000-200.000. Như vậy, khả năng tiếp nhận sinh viên mới ra trường của thị trường lao động chỉ vào khoảng 100.000, với giả định việc làm ưu tiên cho người tốt nghiệp năm trước.

Nhưng có một điều còn đáng lo ngại hơn, khi có đến 60% sinh viên ra trường làm việc không đúng ngành đã học. Nếu vậy, tính ra chỉ có khoảng 15% sinh viên mới ra trường có việc làm đúng với chương trình mình được đào tạo.

Chi phí cơ hội cho sự lãng phí này rất đáng lo ngại. Nếu chi phí trung bình của mỗi sinh viên, chưa tính đến ngân sách nhà nước bù đắp, là khoảng 50 triệu đồng/năm – gồm học phí và chi phí sinh hoạt, thì lãng phí của các gia đình là khoảng 13.000 tỉ đồng/năm. Sự lãng phí này còn phải tính thêm chi phí cơ hội nếu số lượng sinh viên này, thay vì học đại học, thì học trường nghề, và đi làm trước đó bốn năm; như vậy sẽ tạo ra thu nhập khoảng 21.000 tỉ đồng/năm – với mức lương trung bình 7 triệu đồng/tháng. Một chu kỳ bốn năm thì lãng phí có thể lên đến 130.000 tỉ đồng.

Việc dư thừa lao động có trình độ đại học không chỉ lãng phí nguồn lực của bản thân người học, gia đình, mà của cả Chính phủ. Thêm vào đó, áp lực tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng sẽ gây nhiều tác động tiêu cực hơn là các nhóm tuổi khác, vì thời điểm ra trường là điểm bắt đầu của chặng đường nghề nghiệp. Ngoài ra, sự chậm tham gia thị trường lao động của không ít giới trẻ cũng tạo thêm áp lực cho quỹ bảo hiểm xã hội.

Cần thực tế với các chương trình đào tạo nghề

Mô hình giáo dục và đào tạo định hướng nghề nghiệp từ bậc trung học đã rất thành công ở một số nước như Thụy Sỹ, Đức, Singapore, Pháp… Khi tốt nghiệp trung học cơ sở, học sinh có thể chọn trung học phổ thông nghề hay trung học phổ thông phổ quát. Trong trường hợp chọn chương trình phổ thông nghề, học sinh vừa học kiến thức vừa học nghề, theo mô hình vừa học vừa làm. Ở tuổi 16, có tới hai phần ba học sinh Thụy Sỹ chọn trường nghề, và đây có lẽ là bí quyết nổi tiếng của các sản phẩm có nguồn gốc từ Thụy Sỹ với chất lượng vượt trội.

Các nước trong khu vực châu Á cũng thấy được hiệu quả của việc phân luồng giáo dục và đào tạo nghề sớm cho học sinh nên đã bắt đầu quan tâm nhiều. Tại Đại hội quốc tế lần 3 về giáo dục và đào tạo nghề nghiệp ở Thụy Sỹ, từ ngày 6 đến 8-6-2018, các nước như Indonesia, Lào, Ấn Độ, Myanmar, và ngay cả Singapore cũng rất muốn học mô hình của Thụy Sỹ.

Một trở ngại của việc chọn hướng nghề sớm từ bậc trung học của Việt Nam và các nước châu Á là tâm lý chuộng bằng cấp, và thích công việc “cổ cồn trắng” hơn. Tuy vậy, một tín hiệu tích cực ở Việt Nam hiện nay, giống các nước phát triển, là ngày có nhiều nghề không đòi hỏi trình độ đại học nhưng có thu nhập tốt và khả năng có việc làm rất cao. Do đó, sự thay đổi trong cách suy nghĩ của các gia đình, và bản thân học sinh là rất quan trọng.

Sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và Chính phủ cũng là mấu chốt của việc phát triển đào tạo nghề. Các chính sách hỗ trợ thuế của Chính phủ trong chương trình vừa học vừa làm, cho lao động trong độ tuổi 16-25 theo học các chương trình nghề là một trong những cách khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp tham gia vào chương trình.

Như vậy, để tăng tỷ lệ có việc làm trong giới trẻ, và qua đó giải quyết được nhiều vấn đề xã hội khác, bản thân mỗi học sinh và gia đình cần thay đổi cách nhìn về các loại công việc, bất kỳ công việc nào được thừa nhận hợp pháp thì đều có ích. Cần thực tế hơn giữa đầu tư thời gian, tiền bạc, công sức và việc làm trong tương lai.

Ở tầm vĩ mô, Chính phủ cần quy hoạch lại các trường đại học và củng cố phát triển các trường nghề, cần phân luồng học sinh từ trung học, và có chương trình phổ thông trung học nghề theo hướng vừa học vừa làm. Và không kém phần quan trọng, phải có chính sách thuế khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động từ các chương trình đào tạo nghề.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn

Bài viết liên quan

Chuyên mục