Những sai lầm khi chọn nghề - Trường Cao Đẳng Nghề Hoa Sen

Những sai lầm khi chọn nghề

Để có thể theo đuổi và sống hết mình với một nghề nghiệp nào đó, mỗi cá nhân cần có sự lựa chọn đúng đắn và kiên trì giữ vững thái độ đúng đắn với nghề. Làm được điều này không khó, chỉ cần các bạn nên ghi nhớ những nguyên tắc sau:

1. Tuyệt đối tránh những thái độ không đúng khi chọn nghề, bao gồm:

– Chọn nghề theo sự mong muốn, áp đặt của bố, mẹ và người thân. Đây là một thói quen thường thấy tại các gia đình có nghề gia truyền hoặc có mối quan hệ mật thiết với nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức… Điều này vô tình khiến phụ huynh áp đặt con cái đi theo ý muốn của mình, hạn chế tối đa sở thích, năng lực cá nhân, niềm đam mê, thái độ tự chịu trách nhiệm với nghề nghiệp của các bạn trẻ.

– Chọn nghề theo sự rủ rê của nhóm, của bạn bè và của người yêu. Lý do theo nghề này thường xuất hiện theo tâm lý đám đông, sự ham vui chứ không xuất phất từ thực tế nhu cầu của mỗi cá nhân. Kết quả là các bạn trẻ dễ có tâm lý chán nản, ngại thất bại và bỏ nửa chừng con đường đào tạo nghề mà mình đã chọn trước đây.

– Chọn nghề không phù hợp với năng lực, tính cách, sở thích của mình. Cơ sở của việc chọn nghề này có thể do thói quen “chọn đại”, “chọn may rủi” chứ không tìm hiểu kỹ về khả năng đáp ứng của bản thân với nghề hoặc với nhu cầu của thị trường lao động. Dĩ nhiên với cách chọn nghề này, bạn sẽ bị đào thải nhanh chóng trước những yêu cầu khắt khe của thị trường lao động với sự cạnh tranh của đội ngũ lao động được đào tạo bài bản.

–  Chọn nghề chỉ đào tạo ở bậc Đại học. Đây là kết quả của xu hướng “chạy theo bằng cấp”, theo phong trào đã quá quen thuộc tại Việt Nam. Hệ quả tất yếu của điều này là “thừa thầy thiếu thợ”, tình trạng khan hiếm lực lượng lao động lành nghề trong khi lại dư thừa nguồn nhân lực Cử nhân hay Thạc sĩ.

2. Cần xác định bản thân mình phù hợp với ngành nghề nào

Nếu đã quyết tâm theo đuổi một ngành nghề nào đó, các chuyên gia hướng nghiệp khuyên rằng chúng ta nên biết rõ ít nhất các yêu cầu sau về nghề:

– Lĩnh vực hoạt động và những mảng công việc chuyên môn thường gặp trong nghề;

– Mục tiêu đào tạo và nội dung đào tạo của ngành nghề;

– Nhu cầu thị trường lao động đối với ngành nghề đó;

– Những phẩm chất và kỹ năng cần thiết để có thể tham gia làm việc với nghề đã chọn;

– Những nơi đào tạo uy tín về nghề đã chọn;

– Cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên của nhà trường;

– Học phí, học bổng;

– Bằng cấp và cơ hội học lên cao;

– Thời gian đào tạo và phương thức đào tạo;

– Hình thức thi tuyển đầu vào;

– Những đơn vị doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lực lượng lao động chuyên môn của nghề nghiệp đó;

– Mặt bằng chung của mức lương khởi điểm sau khi hoàn thành xong khóa đào tạo nghề nghiệp.

3. Trước khi chọn nghề hãy có cái nhìn khoa học và toàn diện nhất về việc định hướng nghề nghiệp, cụ thể là:

a. Hiểu rõ bản thân

Để có được một sự lựa chọn đúng đắn về nghề nghiệp, việc đầu tiên và cơ bản nhất là cần nắm rõ những điểm mạnh, điểm yếu; thiên hướng tính cách và năng lực của bản thân mình. Hiện nay trên thế giới có một số công cụ khá nổi tiếng về nhận diện tính cách; các điểm nổi trội về năng lực cá nhân như MBTI, DISC, SMART… Ngoài ra, các chuyên gia tâm lý cũng khẳng định rằng một trong những cách tốt nhất để hiểu rõ bản thân mỗi người là khi chúng ta tham gia vào các hoạt động xã hội và va chạm nhiều trong cuộc sống.

b. Hãy nhìn tổng quan về nghề nghiệp mình mong muốn

Khi quyết định chọn lựa một nghề nào đó, các bạn cần hình dung ra công việc cụ thể sẽ như thế nào; những tố chất và kỹ năng nào cần thiết cho ngành nghề đó; thực trạng, xu hướng về nhu cầu của nghề nghiệp đó như thế nào trong xã hội. Trả lời thành công những câu hỏi đó, tức là bạn đã dấn thân vào thế giới đặc thù của từng nghề nghiệp, biết rõ mình cần và nên làm gì để bám trụ lấy việc học nghề và thực hành nghề sau khi tốt nghiệp. Nên nhớ rằng bốn hay năm năm đại học không phải là ngắn, đừng vội vàng “nhắm mắt đưa chân” để rồi đánh mất thời gian và công sức của chính bản thân mình. Bất cứ sự lựa chọn nào cũng nên bắt đầu từ sự tìm hiểu và lắng nghe kinh nghiệm từ những người đi trước.

c. Liên kết giữa đặc điểm bản thân và yêu cầu nghề nghiệp

Sự so sánh giữa những đặc điểm tính cáchnăng lực của bản thân với thông tin chi tiết của các nghề nghiệp có liên quan sẽ giúp bạn tìm ra cho mình nghề nghiệp có mức độ phù hợp cao nhất. Ngay từ bậc Trung học phổ thông các bạn học sinh đã có thể bắt đầu tìm hiểu những thông tin về các trường Đại học, Cao đẳng có ngành nghề mình mong muốn, phù hợp với năng lực học, điều kiện kinh tế cá nhân để nộp đơn dự thi hoặc xét tuyển.

Tuy nhiên, các chương trình hướng nghiệp mới chỉ giới thiệu về thông tin của các trường Đại học, Cao đẳng; chỉ tiêu tuyển sinh, điểm chuẩn hay cơ hội nghề nghiệp mà quên đi “bài toán” định hướng nghề nghiệp lâu dài. Vì vậy, cá nhân mỗi người phải tự tìm hiểu, khám  phá bản thân để tìm cho mình những ngành nghề phù hợp nhất để có một sự nghiệp vững chắc sau này.

Related Posts

Categories