Bằng cấp không phải là thứ quan trọng nhất quyết định thành công - Trường Cao Đẳng Nghề Hoa Sen

Bằng cấp không phải là thứ quan trọng nhất quyết định thành công

Tôi thà thuê một người không bằng cấp nhưng đã có 3 năm kinh nghiệm về lập trình web hơn là một sinh viên với tấm bằng Thạc sỹ (Master) “hào nhoáng” về IT nhưng lại chưa có kinh nghiệm làm việc.

Kinh nghiệm và bằng cấp
Theo Ilya Pozin, bằng cấp không phải là thứ quan trọng nhất quyết định thành công.

Ilya Pozin là một doanh nhân, nhà đầu tư và cây bút nổi tiếng. Ilya hiện đang điều hành Ciplex, một công ty thiết kế và marketing trực tuyến. Anh cũng từng sáng lập ra các công ty như Pluto.TV hay Open Me khi còn rất trẻ. Ngoài ra, Ilya còn là một tác giả cho Inc., Forbes và LinkedIn.

Năm 2012, Tạp chí Inc. đưa Ilya vào danh sách 30 doanh nhân có ảnh hưởng lớn dưới 30 tuổi. Năm 2013, mạng xã hội LinkedIn bầu chọn Ilya là 1 trong 100 người có tầm ảnh hưởng lớn nhất, cùng với Richard Branson và Barack Obama. Dưới đây là những chia sẻ của Ilya về tìm việc làm cho các bạn sinh viên mới ra trường.

Trong thế giới ngày nay, có một sự thực là tấm bằng Đại học không đảm bảo chắc chắn bạn sẽ có một công việc như ý muốn. Tại sao ư? Các nhà tuyển dụng ngày càng ít để ý hơn tới bằng cấp của bạn.

Để được nhận vào những vị trí thông thường của các doanh nghiệp, điều bạn cần có là kinh nghiệm và kỹ năng làm việc chứ không phải là một bảng điểm đẹp. Đây là điều mà có lẽ chẳng tân cử nhân nào muốn nghe cả.

Các sinh viên mới tốt nghiệp thường bắt đầu tìm kiếm việc làm với suy nghĩ “Tại sao họ lại không thuê mình?” Trong khi đó, hầu hết các nhà tuyển dụng đều ít để tâm tới những vị trí cơ bản bởi họ không muốn đánh cược với những người có thể sẽ không tạo nên sự thay đổi lớn cho doanh nghiệp của họ (vị trí càng thấp, khả năng đóng góp cho doanh nghiệp cũng sẽ ít hơn).

Vì thế, vấn đề quan trọng nhất đối với sinh viên mới tốt nghiệp là: Điều gì có thể khiến bạn xứng đáng để các nhà tuyển dụng để mắt tới? Dưới đây là những điều mà bạn nên chú ý nếu thực sự muốn tạo nên sự khác biệt:

1. Bằng cấp không phải là thứ quan trọng nhất

Nói một cách ngắn gọn, khi bạn bước chân ra khỏi cổng trường Đại học không có nghĩa rằng một công việc trong mơ đang chờ đón bạn. Tấm bằng chỉ có thể giúp bạn một chút gì đó nếu như bạn dự định làm việc những công ty lớn nơi có nhiều thời gian và tiền bạc để đào tạo lại nhân viên.

Nhưng hãy tự hỏi rằng có bao nhiêu người với một tấm bằng từ một trường ĐH hàng đầu cùng GPA 4.0 (4 là mức điểm cao nhất một sinh viên có thể đạt được theo thang điểm ở Mỹ. GPA 4.0 đồng nghĩa rằng tất cả các môn học của bạn đều được điểm tối đa) cũng đang muốn cạnh tranh những vị trí đó với bạn? Còn đối với giới khởi nghiệp, hãy tạm quên tấm bằng của bạn đi bởi chẳng ai quan tâm tới nó đâu.

Đối với công ty của tôi, tôi thậm chí còn chẳng biết liệu nhân viên của mình có bằng ĐH hay chưa nữa bởi thực sự chúng không tạo nên sự khác biệt quá lớn. Điều chúng tôi cần là kết quả công việc của các nhân viên chứ không phải điểm số của họ.

Tôi thà thuê một người không bằng cấp nhưng đã có 3 năm kinh nghiệm về lập trình web hơn là một sinh viên với tấm bằng Thạc sỹ (Master) “hào nhoáng” về IT nhưng lại chưa có kinh nghiệm làm việc. Tại sao ư? Bởi họ biết họ thực sự đam mê điều gì (nên đã bỏ qua bằng cấp), có mục tiêu rõ ràng khi làm việc và công ty có thể thu được lợi nhuận từ việc thuê anh ta.

2. Kinh nghiệm là trên hết

Tôi bắt đầu thành lập công ty đầu tiên của tôi, Ciplex, vào năm 17 tuổi. Trong suốt những năm tháng tại trường ĐH, tôi vừa tận dụng thời gian phát triển công ty của mình, vừa tranh thủ thời gian làm việc tại khoa Công nghệ của trường.

Các bạn nên biết rằng, ngày nay một kỳ thực tập (internship) là không đủ để chứng minh rằng bạn có khả năng làm việc đối với các nhà tuyển dụng. Do đó, nguyên nhân khiến hầu hết sinh viên mới tốt nghiệp chưa tìm được việc làm là do họ thiếu kinh nghiệm làm việc thực tế.

Hãy thẳng thắn với nhau rằng việc học chẳng thể chiếm hết thời gian của một sinh viên. Do vậy đừng đổ lỗi rằng bạn toàn tâm dành cho việc học nên không có thời gian làm việc bên ngoài. Một cách đơn giản nhất để có được kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực của bạn đó là nhận những công việc tự do (freelance) hay các hợp đồng ngắn hạn.

Những công việc này có thể không giúp bạn kiếm được nhiều tiền nhưng lại cho bạn cơ hội để học hỏi và phát triển các kỹ năng, thái độ cần thiết như trách nhiệm, khả năng làm việc độc lập và nỗ lực trong công việc. Và trên hết, tất cả những điều này đều được các nhà tuyển dụng hiện nay đánh giá rất cao. Hãy bắt tay vào làm việc ngay khi còn là sinh viên nếu như bạn thực sự lo lắng cho tương lai của mình!

3. Đam mê sẽ giúp bạn thành công

Nếu như bạn chỉ cần một công việc qua ngày nào đó, các công ty sẽ cho bạn biết. Hàng ngày tôi đều nhận được rất nhiều email từ các bạn trẻ, tuy vậy điều họ quan tâm là liệu chúng tôi có đang tuyển dụng hay không mà chẳng thể hiện một chút đam mê nào cho công việc cũng như tinh thần xây dựng công ty trong tương lai.

Đam mê sẽ giúp bạn có được công việc mà bạn muốn. Kinh nghiệm làm việc chỉ là một cách để thể hiện đam mê nhưng bạn sẽ cần phải học cách thể hiện điều này một cách chính xác trên lá thư xin việc, CV cũng như xây dựng các mối quan hệ xã hội.

Nếu chỉ sử dụng duy nhất một lá thư xin việc cho tất cả các vị trí mà bạn ứng tuyển, bạn có nghĩ bạn đang gửi gắm đam mê của mình tới nhà tuyển dụng hay không? Hãy đặt mình ở vị trí của một người lãnh đạo, liệu bạn muốn thuê một người quyết tâm gắn bó tới cùng với công ty hay một người chỉ muốn làm trong thời gian ngắn rồi “nhảy” sang một nơi khác?

4. Các công ty chỉ tìm kiếm những người mang lại lợi ích cho họ

Trước khi bạn nộp đơn cho một công việc mới, hãy tự hỏi bản thân điều này: Bạn sẽ đóng góp được gì cho công ty đó? Nếu bạn không thể trả lời câu hỏi này một cách dứt khoát, vậy thì đừng vội apply công việc đó.

Đối với các doanh nghiệp lớn, câu hỏi trên có thể hơi khó trả lời cụ thể nhưng sự cạnh tranh ở đây cũng vô cùng lớn. Còn đối với các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các start-up, ít cạnh tranh hơn nhưng bạn cũng nên biết rằng họ chỉ thực sự muốn tìm những người sẽ thực sự mang lại đóng góp to lớn.

Một khi những start-up này lớn mạnh lên, những nhân viên ban đầu sẽ trở thành những vị lãnh đạo quyết định vận mệnh của toàn công ty. Cơ hội sẽ chẳng bao giờ đến với bạn nếu như bạn chỉ muốn một công việc tạm thời và chẳng có một chút yêu thích nào đối với doanh nghiệp.

Tôi có thể nói rằng, khi xét tuyển hồ sơ, việc nhận ra ai là người chỉ quan tâm “hời hợt” tới công ty và ai là người chúng tôi cần là điều khá dễ dàng. Vì thế, nếu bạn muốn có một công việc thực sự, hãy bỏ tâm huyết của mình ra để chứng minh cho các nhà tuyển dụng rằng bạn là người đáng để họ thuê chứ không phải một ai khác.

5. Hãy tiến xa hơn mức kỳ vọng

Thành công không đến với những ai chỉ biết chờ đợi. Bạn sẽ phải bỏ ra tất cả những gì mình có để có thể đạt được mục tiêu của mình, cho dù đó là về nhà muộn hơn hay làm việc vào cả cuối tuần.

Hãy nhớ rằng đây không phải là cách bạn “trả nợ” công ty, đó chỉ đơn giản là cách bạn tạo nên sự khác biệt trong công việc mà thôi. Đừng bao giờ dừng lại ở nơi mà bạn được kỳ vọng, hãy tiến xa hơn nữa.

(Theo Tri thức trẻ)

Related Posts

Categories