Học nghề: Tầm nhìn từ các quốc gia phát triển - Trường Cao Đẳng Hoa Sen

Học nghề: Tầm nhìn từ các quốc gia phát triển

Tại nước Anh vừa diễn ra Tuần lễ Học nghề lần thứ 6. Trong khuôn khổ hoạt động của Tuần lễ, Thủ tướng Anh David Cameron đã tới thăm một học viện đào tạo nghề và cam kết sẽ đưa hoạt động nghề thành “tiêu chuẩn mới” đối với những người không tiếp tục theo con đường học đại học hoặc nghiên cứu.

 Không chỉ Anh mà nhiều quốc gia khác trong Châu Âu cũng như Mỹ, cuộc khủng hoảng kinh tế với sự đổ vỡ hàng loạt hệ thống tài chính, ngân hàng đã khiến nhiều quốc gia phát triển, từng là cường quốc mạnh phải “tỉnh ngộ”, quay lại học tập mô hình nước Đức với hệ thống đào tạo nghề kép cho người lao động.
Steven Rattner, nguyên cố vấn kinh tế cho cựu Tổng thống Bill Clinton. Tổng thống Barrack Obama muốn bổ nhiệm ông làm Bộ trưởng nhưng lại quyết định giao cho ông nhiệm vụ giải cứu ngành công nghiệp ô tô của Mỹ trong bối cảnh khủng hoảng tài chính. Lời nói của Rattner luôn được lắng nghe tại Washington mỗi khi ông bàn luận xem mọi việc nên tiến triển thế nào với phần còn lại của nền kinh tế đình trệ của Mỹ. Và giờ đây Rattner cho rằng: “Chúng ta phải học tập mô hình của Đức”.
Ông cho rằng hệ thống đào tạo nghề cho người lao động của Đức là một hình mẫu đáng học hỏi không chỉ cho Mỹ, mà còn cả nhiều nước khác. Chính sách phát triển công nghiệp thông minh của Đức cũng đáng để Mỹ áp dụng.
Bàn về hệ thống đào tạo nghề cho người lao động, Rattner nói, Mỹ hoàn toàn không có một hệ thống hay chương trình tương tự như hệ thống đào tạo nghề và các chương trình tái đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động như của Đức. Vì vậy cho dù tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, Mỹ vẫn đang thiếu lao động có tay nghề cho các ngành công nghiệp sản xuất. Tổng thống Obama muốn điều này phải thay đổi với sự trợ giúp của nhà nước. Trong một thông điệp Liên bang ngày 24/1/2012, ông Obama nói, người Mỹ cần được đào tạo kỹ năng để có việc làm.
Trong một cuộc phỏng vấn cách đây 2 năm, Paul Volcker, nhà tư vấn kinh tế chính cho Obama lúc đó đã nhân định rằng cuộc khủng hoảng kinh tế là một hồi chuông cảnh tỉnh cho nước Mỹ về việc tái thiết lập khả năng cạnh tranh  và thúc đẩy xuất khẩu. Ông nói: “Tôi ước gì chúng tôi có ít đi các kỹ sư tài chính và có nhiều hơn các kỹ sư thật sự, ví dụ như trong ngành cơ khí. Tôi tự hỏi tại sao điều đó lại có thể thực hiện được tại nước Đức chứ không phải tại Mỹ?” Còn tổng thống Nga Vladimir Putin, mong muốn cải tổ nền kinh tế nước Nga bắt đầu từ giáo dục, trong cương lĩnh tranh cử của mình, ông Putin nói: “Lĩnh vực dạy nghề đòi hỏi không ít sự quan tâm. Trong giáo dục bậc đại học, nước Nga đang chịu nhiều tổn thất do thiếu công nhân và chuyên gia lành nghề. Văn bằng không chỉ là đồ trang sức, tách rời sự đánh giá kiến thức thực tế thu nhận được và tách rời trình độ chuyên môn thực sự. Công tác dạy nghề tại Nga cần có tính cạnh tranh trên cấp độ toàn cầu. Chúng ta sẽ phát triển một hệ thống chứng chỉ nghề độc lập với đại học và dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế”.

Thủ tướng Anh David Cameron: Học nghề – “Tiêu chuẩn mới” của người không học đại học

“Tôi kêu gọi các chủ lao động, những người làm công tác đào tạo, các thành viên quốc hội cần tạo thêm nhiều cơ hội học nghề cho những người trẻ tuổi. Tôi cam kết sẽ đưa hoạt động nghề trở thành một “tiêu chuẩn mới”- (“new norm”) đối với những người không lựa chọn tiếp tục theo học tại các trường đại học, nghiên cứu”.
Trong năm 2011, chính phủ Anh đã đầu tư 1,2 tỷ Bảng vào công tác học nghề và khoảng hơn nửa triệu người đang được đào tạo nghề tại Vương quốc Anh. NAS cho biết cho tới 31/12/2013, tổ chức này sẽ cung cấp cho khoảng 1000 chủ lao động khi tuyển dụng những người học nghề có độ tuổi từ 16-24 một khoản hỗ trợ có giá trị 1.500 Bảng cho mỗi doanh nghiệp nhằm khuyến khích các chủ lao động (các doanh nghiệp vừa và nhỏ) phát triển kinh doanh và tiếp nhận những người học việc mới.
 Hiện hàng năm ở nước Anh có 65% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông không đi theo con đường học đại học. Có tới 72% các doanh nghiệp của nước này cho biết năng suất lao động của họ tăng nhờ tuyển dụng những người học nghề.

Tổng thống Mỹ Barack Obama: Ước nước Mỹ có nhiều hơn các kỹ sư thực hành

“Tôi ước gì chúng tôi có ít đi các kỹ sư tài chính và có nhiều hơn các kỹ sư thực hành, ví dụ như trong ngành cơ khí. Tôi tự hỏi tại sao điều đó lại có thể thực hiện được tại Đức chứ không phải tại Mỹ”?

Tổng thống Nga Vladimir Putin: “Phát triển một hệ thống chứng chỉ nghề độc lập với đại học”

“Trong giáo dục bậc đại học, nước Nga đang chịu nhiều tổn thất do thiếu công nhân và chuyên gia lành nghề. Văn bằng không chỉ là đồ trang sức, tách rời sự đánh giá kiến thức thực tế thu nhận được và tách rời trình độ chuyên môn thực sự. Công tác dạy nghề tại Nga cần có tính cạnh tranh trên cấp độ toàn cầu. Chúng ta sẽ phát triển một hệ thống chứng chỉ nghề độc lập với đại học và dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế”.

(Nguồn: TC  Nghề nghiệp & Cuộc sống)

Bài viết liên quan

Chuyên mục