TTO – Đó là khẳng định của anh Nguyễn Anh Đức – giám đốc Công ty thiết kế Outline, một designer với hơn 10 năm trong ngành.
“Tôi ra trường đã 10 năm nhưng tôi vẫn chưa hề lấy bằng tại trường. Tôi không lấy bằng vì khi đi tuyển dụng ở bất kỳ đâu, người ta chỉ quan tâm tới khả năng của tôi, những gì tôi làm được, những kỹ năng tôi có chứ hoàn toàn không phải bằng cấp. Bản thân là một nhà tuyển dụng, tôi cũng không quan tâm tới bằng cấp của các bạn”, anh Đức chia sẻ.
Mỹ thuật đa phương tiện (multimedia design) kết hợp công nghệ với nghệ thuật thiết kế, trong đó thiết kế đồ họa (graphic design) giữ vai trò nền tảng cơ bản. Thế nên, nhiều người cho rằng muốn theo đuổi ngành mỹ thuật đa phương tiện, người học cần phải có khả năng vẽ tay đẹp như họa sĩ chuyên nghiệp.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, đó là quan điểm không chính xác. Năng khiếu, tài năng là một lợi thế nhưng không phải trọng yếu. Sản phẩm mỹ thuật đa phương tiện được thể hiện trong nhiều môi trường và truyền thông khác nhau như hoạt hình, phim, video âm nhạc, game và thường được cảm nhận trọn vẹn trên các thiết bị đầu cuối như màn hình máy tính, TV… hay một buổi trình diễn thực tế trên sân khấu hoặc ngoài trời.
Một designer giỏi là sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm gu thẩm mỹ, niềm đam mê, sự cần cù kiên trì, tư duy sáng tạo, năng lực sử dụng công nghệ và tiếng Anh. Vì để thực hiện được các ý tưởng sáng tạo của mình, một designer cần sử dụng thành thạo máy tính cùng các công cụ kỹ thuật phụ trợ như máy ảnh, bàn vẽ kỹ thuật số, phần mềm đồ họa, xử lý ảnh, làm phim, làm kỹ xảo, phần mềm thiết kế web, hoạt hình 3D…
“Tôi vẽ tay không đẹp, nếu không muốn nói là xấu. Thay vì là khả năng vẽ tay, yếu tố then chốt để các designer có thể gắn bó và phát triển trong ngành mỹ thuật đa phương tiện là khả năng theo kịp tốc độ phát triển của nghề, cập nhật và bổ sung những kiến thức mới nếu không muốn bị lạc hậu so với thời đại. Khi có nền tảng kiến thức vững chắc từ quá trình học tập bài bản, cập nhật kiến thức thường xuyên, cơ hội kiếm tiền từ đôi bàn tay và óc sáng tạo sẽ cực kỳ nhiều”, anh Đức chia sẻ.
Những người dẫn đầu xu hướng
Con đường theo đuổi ngành mỹ thuật đa phương tiện bắt đầu từ những lý thuyết căn bản về thiết kế đồ họa, bố cục, các chất liệu cơ bản về điểm, nét, hình, khoảng trắng, màu sắc, vật liệu, các nguyên tắc thiết kế đồ họa, kiến thức về thị giác hình ảnh, nghệ thuật chữ (typography)…
Tại các cơ sở đào tạo về mỹ thuật đa phương tiện, thời lượng học thiết kế đồ họa chiếm tỉ trọng 25-30% tổng thời gian học của chương trình. Học xong thiết kế đồ họa, bạn có thể làm việc trong lĩnh vực quảng cáo, nhận diện thương hiệu, in ấn, dàn trang sách báo, xử lý ảnh với các chức danh: chuyên viên thiết kế đồ họa (graphic designer), họa sĩ minh họa (illustrator), chuyên viên xử lý ảnh (photo editor), họa sĩ trình bày (layout artists)…
Khi học tiếp để hoàn thành khóa thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, bạn không chỉ nắm chắc về thiết kế đồ họa, mà còn có thể thiết kế giao diện web (web designer) và thiết kế đồ họa động 2D (flash animator), trở thành chuyên gia biên tập phim và âm thanh (audio/video editor), chuyên gia biên kịch (storyboard), chuyên gia kỹ xảo điện ảnh, hậu kỳ (VFX compositor), chuyên gia sản xuất game, dựng mô hình nội ngoại thất (3D animator, 3D modeler)…
“Học 1, 2 học kỳ là bạn đã có thể đi làm một số công việc liên quan đến ngành học rồi, như mình là học kỳ thứ hai mình đã làm thiết kế tự do và kiếm đủ tiền trang trải học phí. Những thứ mình học ở trường lớp chỉ là nền tảng, muốn làm nghề này bạn cần có tinh thần học hỏi không ngừng, tự trau dồi phát triển bản thân mình. Cái tối kỵ của nghề này là lạc hậu và đầu óc trì trệ, ngựa quen đường cũ, tự lặp lại mình” – Phan Nhật Anh, một freelancer (người làm việc tự do) ở TP.HCM, cho biết.
Đồng tình với Nhật Anh, Nguyễn Nguyên Ngọc – một freelancer khác trong ngành mỹ thuật đa phương tiện – nói: “Áp lực của ngành này rất cao. Designer phải là những người dẫn đầu xu hướng, vì vậy bạn luôn phải học hỏi, cập nhật cái mới và sáng tạo ra những cái mới hơn. Cái tên “đa phương tiện” chính là đụng yêu cầu gì cũng phải thực hiện được.
Khách hàng thường rất khó tính và cầu toàn nhưng đôi khi gu thẩm mỹ của họ lại khác mình, mình phải hết sức kiên nhẫn và ứng xử khôn khéo để vẫn giữ được cái “chất” của mình mà không mất khách”.
Nguồn: https://tuyensinh.tuoitre.vn