Tiềm năng của ngành CNTT - Trường Cao Đẳng Hoa Sen

Tiềm năng của ngành CNTT

Việt Nam phấn đấu lọt top đầu thế giới về gia công phần mềm

Sở hữu những lợi thế để phát triển Công nghệ thông tin cũng như thu hút lượng đầu tư quốc tế khá lớn vào lĩnh vực này, Việt Nam kỳ vọng nằm trong top đầu thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số vào năm 2020.

Bùng nổ ứng dụng công nghệ thông tin

Với những bước tiến khá nhanh về phát triển công nghệ thông tin (CNTT), Việt Nam giữ thứ hạng cao trên bản đồ công nghệ thế giới, trong đó đứng đầu về chỉ số kinh tế ứng dụng di động trong 6 nước phát triển nhất khu vực ASEAN, nằm trong top 10 khu vực châu Á – Thái Bình Dương và top 30 thế giới về gia công phần mềm (năm 2015). Ngoài ra, năm 2016, chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam được Liên hợp quốc xếp hạng thuộc nhóm các nước có chỉ số phát triển cao, đứng thứ 89/193 quốc gia, tăng 10 bậc so với cùng kỳ năm trước. Một số liệu khác cũng cho thấy những tiềm năng phát triển của CNTT tại Việt Nam khi 60% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi có khả năng tiếp cận nhanh công nghệ mới và khoảng 52% dân số sử dụng Internet. Nhu cầu phổ cập và ứng dụng CNTT đã tạo đà phát triển cho lĩnh vực đầu tư và phát triển kinh tế, kết quả là Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn về thu hút đầu tư công nghệ cao, với sự góp mặt của hầu hết các “ông lớn” công nghệ hàng đầu thế giới như IBM, Microsoft, Intel, Toshiba, Samsung,…. Chúng ta cũng đã có những doanh nghiệp CNTT được thế giới biết đến như Viettel, FPT, VNPT,… và có ngày càng nhiều bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp với lĩnh vực dịch vụ đầy sáng tạo này.

Điểm qua những ứng dụng hàng đầu của CNTT, có thể dễ dàng nhận ra nhóm ngành nghề này đang chiếm thế thượng phong ở nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn như:

  • Thương mại điện tử: Sự phát triển của công nghệvà hệ thống thông tin là sẽ là bàn đạp để thương mại điện tử có những bước đột phá. Trong năm 2015, lĩnh vực đó đem lại cho Việt Nam hơn 4 tỷ đô la Mỹ và dự báo đến năm 2020, thị trường thương mại điện tử sẽ tăng 25%/năm, đạt khoảng 10 tỷ đô la Mỹ, giá trị mua sắm trực tuyến đạt 400 đô la Mỹ/người.
  • Du lịch: Ứng dụng CNTT mang lại nhiều tiện ích đối với phát triển kinh tế du lịch là không thể phủ nhận, đặc biệt trong công tác quản lý, nó mang lại nhiều lợi ích cụ thể: Chi phí phân phối thấp; Chi phí truyền thông thấp; Chi phí lao động thấp; Giảm thiểu chất thải; Người hỗ trợ tính giá linh hoạt.

 

Bắt kịp xu hướng phát triển của CNTT nói chung và đón đầu những nhu cầu tất yếu của làn sóng cách mạng công nghệ 4.0 ở Việt Nam nói riêng, các doanh nghiệp đang gấp rút triển khai bài toán xây dựng đội ngũ lao động lành nghề có khả năng nắm bắt nhanh chóng sự biến đổi không ngừng của công nghệ mới. Với tham vọng nằm trong top đầu thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số vào năm 2020, cả nước đang đầu tư và kỳ vọng lớn vào nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về CNTT tại các trường ĐH/CĐ cũng như từ chính các doanh nghiệp CNTT.

 

Tuyển dụng CNTT đạt ngưỡng kỷ lục

Theo báo cáo về ngành CNTT Việt Nam 2017 của hãng tuyển dụng Vietnamworks vừa được công bố, nhu cầu tuyển dụng ngành CNTT đang ở mức cao nhất trong lịch sử với gần 15.000 việc làm tuyển dụng trong năm 2016. Cũng theo dự báo của Vietnamworks, con số 80.000 nhân lực CNTT được đào tạo bài bản từ các đơn vị giáo dục uy tín trong 2 năm 2017 và 2018 chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành CNTT (tính đến cuối năm 2018).

Điều này có nghĩa là chúng ta thiếu khoảng 70.000 nhân lực chuyên môn về CNTT với các chức danh như kỹ sư, chuyên viên, chuyên gia CNTT… Vậy, nhu cầu thực tế dành cho ngành này là rất lớn, nhưng để có thể theo học và làm việc lâu dài với nghề để tránh bị đào thải, các bạn trẻ nên có những tố chất gì? Theo các chuyên gia, câu trả lời nằm ở các tiêu chí sau:

  • Đam mê công nghệ;
  • Không ngừng học hỏi để nắm bắt những công nghệ mới như: điện toán đám mây, dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT)…;
  • Yêu thích sáng tạo;
  • Kiên trì, nhẫn nại;
  • Cẩn thận trong công việc;
  • Có khả năng làm việc theo nhóm;
  • Chính xác trong công việc;
  • Giỏi ngoại ngữ.

Ngoài ra, mỗi cá nhân cần có thái độ nghiêm túc với nghề mà mình quyết tâm theo đuổi bởi lẽ CNTT là lĩnh vực có sự đổi mới từng ngày, đặt ra nhiều thử thách đối với người học. Để “giữ lửa” với nghề, các bạn trẻ nên tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết thông qua các khóa đào tạo chính quy trên ghế nhà trường, các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ tại các doanh nghiệp; tham gia các hội thảo chuyên ngành do những đơn vị uy tín tổ chức để kịp thời cập nhật, bổ sung kiến thức mới hoặc gặp gỡ những nhân vật có nhiều kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực CNTT để trao đổi và chia sẻ hành trang cần thiết để gắn bó với nghề.

Related Posts

Categories