‘Săn lùng’ người học nghề - Trường Cao Đẳng Nghề Hoa Sen

‘Săn lùng’ người học nghề

Mặc dù việc tuyển sinh nghề kéo dài từ đầu năm đến cuối năm, nhưng khoảng tháng 11 trở đi mới là thời điểm tuyển sinh chính của hệ đào tạo này. Nhưng giờ còn ai để tuyển?

Mặc dù việc tuyển sinh nghề kéo dài từ đầu năm đến cuối năm, nhưng khoảng tháng 11 trở đi mới là thời điểm tuyển sinh chính của hệ đào tạo này. Nhưng giờ còn ai để tuyển?

Tại hội thảo về đánh giá chiến lược phát triển dạy nghề do Tổng cục Dạy nghề tổ chức ngày 9.12, đại diện hàng trăm trường CĐ, TC nghề từ Đà Nẵng trở vào đã vừa buồn cười vừa ngậm ngùi khi Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Dương Đức Lân nói lên một sự thật “việc tuyển sinh nghề không còn gọi là tuyển sinh nữa, mà nói chính xác phải là săn lùng người học”. Lý do vì người học tốt nghiệp THPT chạy vào ĐH, CĐ hết rồi, còn học sinh tốt nghiệp THCS thì chưa được phân luồng hiệu quả.
Khai giảng, tốt nghiệp quanh năm
“Ngày nào cũng có thể là ngày khai giảng, ngày nào cũng có thể là ngày tốt nghiệp. Đặc thù của trường nghề là tuyển sinh được lúc nào, khai giảng lúc đó, liên tục chứ không có mùa tuyển sinh như các trường ĐH. Do đó, chúng ta phải tìm cách tiếp cận người học mọi lúc mọi nơi. Ngay cả việc phải đến từng thôn bản, tổ dân phố để tư vấn, vận động, săn lùng người học chúng ta cũng phải làm”, PGS-TS Dương Đức Lân chia sẻ tại hội thảo.
Nhiều trường đã tìm mọi cách để thêm được chừng nào người học, tốt chừng ấy. Ông Võ Bảo Toàn, đại diện Trường TC nghề Cần Giuộc (Long An), cho biết trường kết hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện, đồng thời xin các phòng giáo dục danh sách học sinh lớp 9, lớp 10 đã nghỉ học để đến từng nhà trò chuyện với phụ huynh. Tỷ lệ đăng ký học từ nguồn này 50 – 60%. “Quan niệm của phụ huynh vẫn là phải đi học ĐH, nếu không học ĐH thì học CĐ, nếu không học CĐ thì đi làm công nhân chứ không biết học nghề là gì”, ông Toàn nói.
“Muốn bỏ đi chữ nghể”
Mặc dù có hiệu lực từ ngày 1.7.2015, nhưng luật Giáo dục nghề nghiệp dường như vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống, vì cơ quan quản lý vẫn chưa thống nhất. Mặc dù quy định giáo dục nghề nghiệp chỉ còn gọi chung là trường CĐ, trường TC nhưng hiện tại trường CĐ thuộc Bộ GD-ĐT thì vẫn thi và xét tuyển theo quy chế của Bộ GD-ĐT, còn trường CĐ, TC nghề thì vẫn mang tên “nghề” và tuyển sinh quanh năm theo quy chế của Tổng cục Dạy nghề.
Đại diện các trường vẫn đang nóng lòng không biết bao giờ luật này mới thực thi. Hiệu trưởng một Trường CĐ nghề tại TP.HCM tâm tư: “Chúng tôi đang rất muốn bỏ đi chữ “nghề” và đang làm thủ tục xin, để tuyển sinh dễ dàng hơn. Tâm lý của phụ huynh là không thích chữ “nghề” vì thấy nó không sang. Chẳng hạn cũng là nghề điện tử nhưng của một trường CĐ thuộc Bộ GD-ĐT, người học lại vẫn thấy thích, khổ vậy đó”.
Hiện nay, các trường nghề chỉ còn trông mong chủ yếu vào nguồn học sinh tốt nghiệp THCS, nhưng vấn đề đặt ra là nên dạy nghề hay dạy cả nghề lẫn văn hóa cho đối tượng này? “Các em đâu có thích học văn hóa. Tại sao chúng ta không đào tạo theo nhu cầu của học sinh: em nào thích học văn hóa để tiếp tục liên thông thì chúng ta dạy, còn em nào chỉ muốn học nghề để đi làm, thì chỉ dạy những kiến thức văn hóa cần thiết cho chuyên ngành thôi. Nếu không, chỉ mới vào học được vài buổi là học sinh đã bỏ rồi”, ông Nguyễn Quyết Thắng nêu ý kiến.
Vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho biết sẽ sớm xem xét thực hiện, để tránh tình trạng các trường tuyển đã khó lại còn không giữ được học sinh ở lại.

Mỹ Quyên

(Nguồn: www.thanhnien.vn)

 

Bài viết liên quan

Chuyên mục